QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM
QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH LỘT XÁC CỦA TÔM

 Để giúp tôm lột xác đồng đều, nhanh cứng vỏ, người nuôi cần chú ý đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng, môi trường, oxy hòa tan tốt cũng như kiểm soát dịch bệnh.

Bố sung khoáng

 Do lớp vỏ tôm được hình thành chủ yếu từ các khoáng chất nên quá trình lột xác kéo theo nhu cầu khoáng chất rất cao. Nhu cầu khoáng của tôm sẽ thay đổi tùy vào từng giai đoạn lột xác. Người nuôi cần theo dõi kỹ những thay đổi trong chế độ ăn của tôm để xác định giai đoạn lột xác, từ đó điều chỉnh việc bổ sung khoáng sao cho hợp lý. Tôm có thể hấp thu khoáng từ thức ăn hoặc trực tiếp từ môi trường nước. Chủ động bổ sung một số chất cần thiết như Canxi, Phospho, men kích thích, premix...để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới. Tôm thường lột xác vào ban đêm vì lúc đó pH xuống thấp, do vậy khoáng nên được cung cấp vào lúc mà tôm cần chúng nhất. Việc cung cấp khoáng đúng lúc cũng góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ cứng vỏ sau lột và nhanh chóng giúp chúng tránh xa các mối nguy hiểm dễ dàng hơn.

 Tôm cần khoảng 23 loại khoáng chất. Các khoáng chất chính là Ca, Mg, K, P và NaCl. Các khoáng vi lượng gồm Fe, Mn, Cu, Zn, I, Co, Cs, Ni, Se, F, Mo, Sn, Cr, Sr, V và Si. Tỉ lệ Mg/Ca/K phải đảm bảo 40/15/13. Ví dụ, ở độ mặn 10 ppt, người nuôi nên duy trì 400 ppm Mg, 150 ppm Ca và 130 ppm K. Do đó, kiểm tra giá trị khoáng định kỳ đặc biệt cần thiết nhất là những ao nuôi tôm có mật độ cao hơn 100PL/m

Để giúp tôm tích lũy tốt khoáng chất và môi trường có đầy đủ khoáng, sẵn sàng cho chúng một cuộc thay đổi thuận lợi, bên cạnh việc bổ sung khoáng vào môi trường sống của tôm, người nuôi cũng cần chú ý bổ sung khoáng chất vào khẩu phần ăn trước và sau chu kỳ lột của chúng ít nhất 1 lần. Khi thấy tôm có hiện tượng mềm vỏ kéo dài, tôm khó lột xác, cần phải định kỳ tạt khoáng bột xuống ao với liều lượng 1kg/ 1.000m3 nước kết hợp trộn khoáng nước liều lượng 10ml/kg thức ăn ( 2 lần/ngày), sẽ khắc phục được hiện tượng tôm mềm vỏ, khó lột xác.

Đảm bảo môi trường thích hợp

 Các chỉ số môi trường không tốt có thể ức chế quá trình lột xác của tôm. Người nuôi tôm cần chủ động theo dõi các yếu tố này để có những điều chỉnh thích hợp.

 Oxy hòa tan: Khi lột xác, nhu cầu oxy của tôm tăng gấp đôi vì thế cần tăng quạt nước, sục khí để tăng hàm lượng oxy, hàm lượng oxy hòa tan duy trì ở mức khoảng 4- 6 mg/l trong suốt quá trình tôm lột xác.

 Độ mặn: Có liên quan đến hàm lượng khoáng trong ao, những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao càng cao và ngược lại. Vì vậy đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải tăng cường việc bổ sung khoáng cho tôm. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng cao hơn 25 , vỏ tôm thường dày và cứng, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Vì vậy, cần nuôi tôm theo đúng thời vụ và vùng quy hoạch theo khuyến cáo.

 pH: Một điều kiện khác là tôm cần pH thấp hơn 8,3 để có thể hấp thu khoáng chất từ lớp vỏ cũ. Theo kết quả từ các nghiên cứu, mức pH trong khoảng 7,8 -8,2 sẽ là điều kiện để tôm lột xác.

 Độ kiềm: Là thông số quan trọng vì có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Theo limsuwan (2005), độ kiềm trong ao  nuôi tôm thẻ chân trắng phải ở mức trên 80 mg CaCO3 và cần được kiểm tra thường xuyên ít nhất 1 tuần/lần. Khi hàm lượng kiềm trong nước quá thấp làm ảnh hưởng quá trình lột xác của tôm, khiến cho tôm bị mềm vỏ, có tỷ lệ sống thấp. Trong quá trình sinh trưởng, để ổn định độ kiềm, cần sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và bổ sung khoáng 3-5 ngày/lần vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loại. Ngoài ra, buổi sáng sau đêm lột xác, cần quan sát tôm và kiểm tra chất lượng nước ao. Nếu thấy có tôm còn mềm vỏ hoặc tôm chết, hoặc độ kiềm giảm đột ngột hơn 20 ppm so với ngày trước đó thì phải bổ sung khoáng chất ngay lập tức.

 Bên cạnh đó, cần tăng cường sục khí ban đêm khi tôm lột xác và đảm bảo không có H2S trong ao bằng việc dùng chế phẩm vi sinh để loại bỏ H2S một cách hiệu quả.

Dinh dưỡng đầy đủ

 Yếu tố dinh dưỡng là nguyên nhân chủ yếu khiến tôm khó lột xác. Khi bị thiếu dinh dưỡng, tôm không đủ chất để làm đầy lớp vỏ khiến vỏ không thể nứt ra được. Để tôm lột xác thành công, lượng thức ăn phải cung cấp đủ hàm lượng đạm khoảng 32-45%. Cho ăn đủ lượng thức ăn tùy vào từng giai đoạn cũng làm cho tôm phát triển nhanh, nên quá trình lột xác của tôm cũng sẽ diễn ra theo đúng quy trình. Trong những ngày đầu mới nuôi nên cho lượng thức ăn 8 -10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi và những tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5-7%.

 Ngoài ra, thường xuyên theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng để có biện pháp điều chỉnh thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.

 Sử dụng thức ăn bởi các nhà cung cấp thức ăn uy tín, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho sự lột xác của tôm nuôi.

 Hiện tượng tôm giảm ăn vào bữa ăn chiều là dấu hiệu cho thấy tôm chuẩn bị lột xác.Chúng ta có thể ước tính khoảng thời gian giữa 2 lần lột xác của tôm dựa vào đo chiều dài (cm) của tôm từ gai đuôi đến chủy đầu. Chiều dài tính bằng cm của tôm là số ngày giữa 2 lần lột xác. Ví dụ, chiều dài tôm là 7 cm tức tôm sẽ lột xác trong 7-8 ngày tới. Từ đó có những tính toán và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp.

 Sau khi tôm lột xác, tôm còn rất yếu và dễ nhiễm bệnh, người nuôi nên bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là Vitamin C, khoáng chất, protein đậm đặc... Điều này sẽ giúp mang tôm trở lại với điều kiện tối ưu và ngăn cản các tác động xấu đến tôm khi có sự thay đổi đột ngột của các điều kiện môi trường.

THÁI THUẬN

(Tạp chí Con Tôm)


Bài viết khác

Tin tức nổi bật

Copyright © 2018 Công ty TNHH Thuốc Thú Y Thủy Sản Đại An Thái. Design by Nina.vn
0989.598.887
x
Giỏ hàng của bạn
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
zalo